Chủ động xây dựng Phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn mùa mưa lũ 2025
Sáng 22-5, Uỷ viên Ban Thường vụ Thị uỷ, Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, Phạm Tiến Dũng, chủ trì họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thị xã. Tham gia dự Cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến, có Chủ tịch UBND các xã, phường.
Quang cảnh.
Về công tác chỉ đạo, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành các Công điện và văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, phường chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống mưa lũ và sạt lở đất khi có thông tin về thiên tai và các tình huống rủi ro. Tổ chức họp đánh giá và rút kinh nghiệm: Tổ chức họp các thành viên Ban Chỉ huy để đánh giá tình hình thiên tai, rút kinh nghiệm và bàn biện pháp khắc phục hậu quả. Thường trực Ban Chỉ huy thường xuyên thực hiện kiểm tra, chỉ đạo tại các xã, phường bị thiệt hại. UBND thị xã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các xã, phường tổ chức phân công thành viên trực 24/24 giờ. Chủ động thông báo và tổ chức lực lượng buộc di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra. Có biện pháp cương quyết đối với các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao thực hiện di chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời chỉ đạo, tuyên truyền nhân dân chủ động phương án phòng, chống và các biện pháp như neo chống nhà cửa, nạo vét hệ thống thủy lợi, bảo vệ công trình công cộng và tài sản, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"…
Trong 5 tháng đầu năm 2025, tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn thị xã Sa Pa, có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra các đợt thiên tai, ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 2 tỷ 394 triệu đồng. Cụ thể, các thiệt hại bao gồm; 1 người chết; thiệt hại về nhà cửa, tài sản, công trình phụ trợ, trên 300 triệu đồng; thiệt hại về nông lâm nghiệp, thủy sản, hơn 261 triệu đồng; thiệt hại về cơ sở hạ tầng trên 1 tỷ 800 triệu đồng.
Công tác sắp xếp dân cư, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành các văn bản chỉ đạo kiểm tra, rà soát nhu cầu di chuyển của các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Thực hiện kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 25/3/2025 về tổ chức thực hiện di chuyển sắp xếp ổn định cho các hộ dân, sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở theo QĐ 590/QĐ-TTg trên địa bàn thị xã Sa Pa năm 2025, với quy mô 68 hộ, trong đó 34 hộ sắp xếp dân cư tập trung, 9 hộ di chuyển xen ghép, ổn định tại chỗ cho 25 hộ. Đến hết tháng 5, có 35 hộ đăng ký di chuyển đợt I năm 2025. Hiện Phòng Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đôn đốc, tổng hợp danh sách và phối hợp thẩm tra đối tượng, địa điểm di chuyển, xây dựng phương án cho đợt I, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/5/2025.
Thảo luận tại Cuộc họp.
Đối với sắp xếp dân cư theo phương án số 2, ngày 06/01/2025 của UBND tỉnh. Thị xã Sa Pa là triển khai di chuyển xen ghép cho 292 hộ (bao gồm 2 hộ chuyển tiếp từ năm 2024). Thực hiện phương án nêu trên, UBND thị xã đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường họp dân, xây dựng kế hoạch triển khai. Hiện tại, các xã, phường đang tiến hành kiểm tra, rà soát, tổ chức họp thôn, tổng hợp danh sách các hộ dân đã bố trí được địa điểm di chuyển phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Kết luận Cuộc họp, Uỷ viên Ban Thường vụ Thị uỷ, Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, Phạm Tiến Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thị xã; Ban Chỉ huy các xã, phường, rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kiểm trta đánh giá trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Quản lý chặt chẽ địa bàn, không để trường hợp xây dựng nhà trái phép, nhất là xây dựng nhà gần suối, trong khu vực có nguy cơ sạt lở; các xã, phường, Vườn quốc gia Hoàng Liên rà soát các cơ sở nuôi cá nước lạnh, xây dựng bể nuôi trong đất rừng, vi phạm Luật bào vệ và phát triển rừng. Các xã, phường tiếp tục kiểm tra, rà soát các địa điểm có nguy cơ sạt lở mới phát sinh, để có phương án di chuyển các hộ dân có thể bị ảnh hưởng.
Với phương châm chủ động xây dựng phương án phong chống thiên tai từ sớm, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện nghiêm túc an toàn hồ đập, nhất là các xã có hồ thuỷ điện. Không để tồn tại các công trình vi phạm quản lý đất, xây dựng trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, ven suối. Tăng cường tuyên truyền, diễn biến bất thường của thời tiết để người dân nắm được chủ động phòng tránh thiên tai; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, trong khắc phục hậu quả thiên tai.