Hội nghị đánh giá công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS

Chiều ngày 12/9, UBND thị xã Sa Pa tổ chức hội nghị đánh giá công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo; đại diện các xã, phường; Hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thị xã. Đồng chí Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã chủ trì Hội nghị.

anh tin bai

Quang cảnh.

Trong những năm qua, thị xã Sa Pa luôn chú trọng và đặc biệt đến công tác tuyển sinh, phân luồng học sinh. Hàng năm đều chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, triển khai các văn bản, hướng dẫn của Sở GD&ĐT về công tác tuyển sinh và tích cực chỉ đạo các trường có cấp Tiểu học, THCS thực hiện công tác tuyển sinh ngay từ đầu năm học. Đồng thời, giao chỉ tiêu tuyển sinh đầu, phân luồng cụ thể cho trường THCS; Phối hợp với các trường THPT trên địa bàn thị xã tuyên truyền những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, đặc biệt là việc thành lập và đi vào hoạt động của trường THPT Hoàng Liên ngay từ đầu năm học 2023-2024; Triển khai thực hiện việc phụ huynh và học sinh đăng ký trực tuyến và hồ sơ tại các đơn vị tuyển sinh. 100% các trường đã phân công cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách, kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, phân luồng; thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ cho học sinh; Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; lồng ghép giáo dục hướng nghiệp với các môn học. Trên cơ sở rà soát, tham mưu, báo cáo định hướng, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh cho chính quyền địa phương; các xã, phường căn cứ kết quả rà soát tiếp tục tuyên truyền, động viên học sinh, phụ huynh học sinh... đối với học sinh không đăng ký đi học sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục đăng ký đi học nghề.

Tuy nhiên, do đặc thù vùng cao, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tuyển sinh, phân luồng học sinh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đánh giá về những tồn tại, hạn chế như: Công tác tham mưu, chỉ đạo, quản lý tại một số trường học chưa chủ động, kịp thời, thiếu tính quyết liệt, thiếu giải pháp mới; Sự phối hợp, trao đổi thông tin về công tác phân luồng, hướng nghiệp giữa các trường THCS với UBND các xã, phường; trường THCS với các trường THPT, trường dạy nghề chưa thường xuyên trong công tác vận động học sinh ra lớp; Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (trong đó có học sinh tốt nghiệp THCS) trình độ trung cấp trên địa bàn thị xã chưa hiệu quả, mở ít lớp và số học sinh tham gia không nhiều, chủ yếu các lớp đào tạo nghề ngắn hạn hoặc trình độ sơ cấp; Chế độ chính sách của một số xã, phường thay đổi, học sinh không được hưởng hỗ trợ học phí (phải đóng học phí cao), học phẩm, bán trú. Đặc biệt, năm học 2023-2024 có một số điểm mới trong công tác tuyển sinh, một số Trường THPT không còn xét tuyển mà tổ chức thi tuyển đầu vào theo quy định, dẫn đến tỷ lệ tuyển sinh đầu cấp chưa cao…vv…

Cụ thể: Tỷ lệ học sinh tiếp tục đi học trình độ cao hơn sau tốt nghiệp THCS năm 2023 chưa đạt chỉ tiêu  giao 92% (1220/1453 học sinh đạt 84%); Số lượng học sinh ra lớp là 1054/1453 học sinh đạt 72,53%; Tỷ lệ học sinh trúng tuyển, nộp hồ sơ nhưng không ra lớp còn chiếm 11.4%, tập trung ở trường THPT Hoàng Liên (24 hs), THPT số 2 (22 hs), GDTX (95 hs); Nhiều xã, phường, trường THCS có tỷ lệ phân luồng học sinh đi học tiếp còn thấp và số học sinh trúng tuyển, đăng ký nhưng không ra lớp còn cao như: Ngũ Chỉ Sơn, Trung Chải, Mường Bo, Liên Minh, Thanh Bình; trường THCS: Tả Giàng Phình, Trung Chải, Nậm Sài, Thanh Kim,….

anh tin bai

Thảo luận tại cuộc họp.

Từ những nhận định đó, các đại biểu cũng đã tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận, đề ra những giải pháp để công tác tuyển sinh, phân luồng học sinh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao như: Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh ra lớp khi đã đăng ký và trúng tuyển; xác định chính xác số lượng học sinh còn lại chưa đăng ký đi học; trong đó xác định số lượng học sinh vẫn có nhu cầu đi học tiếp để có giải pháp tuyên truyền, vận động; Chủ động nắm bắt thông tin tuyển sinh của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, ngoài tỉnh để cung cấp cho học sinh lựa chọn ngành, nghề học phù hợp năng lực, nguyện vọng của gia đình và học sinh....

anh tin bai

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, đồng chí Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã đã biểu dương những cố gắng mà các trường đạt được trong việc nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp góp phần chuyển biến công tác phân luồng học sinh THCS vào học các trường THPT, Trung tâm GDNN – GDTX thị xã và học nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm như: Đề nghị các xã, phường, các trường  cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; Căn cứ các văn bản cấp trên về việc giao chỉ tiêu phân luồng, chỉ đạo Hiệu trưởng các trường chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung các giải pháp để tiếp tục tuyên truyền, vận động số học sinh có khả năng đi học tiếp vào các trường trung cấp, cao đẳng nghề; Đối với số học sinh đã có kết quả duyệt tuyển sinh vào lớp 10 THPT và học sinh đã nộp hồ sơ đăng ký đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề, Trung tâm GDNN&GDTX Sa Pa chưa ra lớp, cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các trường THCS, UBND các xã, phường với các trường THPT, GDTX, dạy nghề về tình hình, số lượng học sinh để vận động ra lớp; Phối hợp với các đơn vị tuyển sinh (Cao đẳng nghề, các trường Trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh) để tuyên truyền, vận động học sinh tiếp tục đăng ký đi học để nâng cao tỷ lệ phân luồng; Đẩy mạnh tuyên truyền và các chế độ chính sách đối với người học tại các trường THPT, GDTX, trường nghề của các xã, phường; tích cực truyền thông về thông tin tuyển sinh của các đơn vị và thông tin về trường THPT Hoàng Liên; Phòng LĐTB&XH cần tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề mở các lớp đào tạo nghề (trình độ trung cấp) cho lao động nông thôn, tập trung vào học sinh đã tốt nghiệp THCS…

Lê Hưng (trung tâm VH,TT-TT Sa Pa)
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức


 
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 144
  • Hôm nay: 718
  • Trong tuần: 5,582
  • Tất cả: 2,769,655
Đăng nhập