Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024
Sáng 24/11, UBND thị xã Sa Pa tổ chức Hội nghị công tác PCCC và tổng kết công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024 và công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô 2023 – 2024.
Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Phạm Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thường trực Ban chỉ đạo, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững thị xã Sa Pa. Đội PCCC&CHCN, Công an thị xã.
Quang cảnh.
Trong năm 2023, Công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm chỉ dạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp được hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR. Các chương trình, chính sách kinh tế hỗ trợ cho miền núi cùng với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững, làm giảm tác động đến tài nguyên rừng.
Theo báo cáo, tính đến 31/12/2022, diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp là 52.533,96 ha; đất chưa có rừng quy hoạch phát triển lâm nghiệp: 6.676,52 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,53%. Đến nay đã rà soát xong và thống nhất kết quả rà soát diện tích đất chồng chéo của Ban quản lý rừng phòng hộ tại 08 xã, phường gồm: xã Trung Chải, Tả Phìn, Thanh Bình, Liên Minh, Mường Bo, Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pả, Sa Pa. Về quản lý bảo vệ động vật, thực vật rừng hoang dã: Trong năm Trung tâm cứu hộ và bảo tồn VQG Hoàng Liên đã thực hiện tiếp nhận 105 cá thể động vật hoang dã thuộc 25 loài; tỷ lệ cứu hộ thành công là 98/105 cá thể; thực hiện 2 đợt tái thả động vật hoang dã với 29 cá thể thuộc 08 loài. Tổng số thực vật rừng đang chăm sóc, cứu hộ, bảo tồn hiện có: 4.788 cây thuộc 111 loài.
Về công tác giao khoán, tuần tra, bảo vệ rừng: Toàn bộ diện tích rừng 34.263,91ha do chủ rừng nhà nước quản lý đã được giao khoán cho các cộng đồng dân cư thôn bản bảo vệ (Vườn Quốc gia Hoàng Liên: 18.856,40ha; Ban quản lý rừng phòng hộ 15.407,51ha). Hiện tất cả các xã, phường, chủ rừng nhà nước đều đã kiện toàn BCĐ chương trình phát triển bền vững, các tổ đội PCCCR cấp xã và các tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, tổ dân phố (BCĐ thị xã 39 thành viên; 16 Ban chỉ đạo xã, phường 373 thành viên; 01 Ban chỉ đạo của Vườn Quốc gia Hoàng Liên 16 thành viên; 16 tổ xung kích PCCCR xã, phường với 712 thành viên; 98 tổ quần chung bảo vệ rừng tại các thôn bản, tổ dân phố với 1.461 người). Phương án PCCCR giai đoạn 2021 - 2025 đã được các xã, phường và chủ rừng xây dựng; điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế. Xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp thực hiện bảo vệ rừng, PCCCR; kế hoạch kiểm tra công tác PCCCR tại các xã, phường mùa hanh khô 2023-2024; Phương án tổ chức phát dọn 24,7km đường băng trắng cản lửa tại các xã giáp ranh với Thành Phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng. Tổ chức lập 15 chốt và ứng trực PCCCR tại các khu vực trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao mùa hanh khô 2023-2024. Năm 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã chủ trì phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm thị xã, các đơn vị chủ rừng và chính quyền các xã, phường tổ chức xác định và thống nhất diện tích rừng cung ứng trong lưu vực đủ điều kiện được chi trả tiền DVMTR năm 2022 (chi trả trong năm 2023) trên địa bàn thị xã là 43.114,71 ha (diện tích chưa được áp dụng hệ số K quy đổi).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng, cháy rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng vẫn còn xảy ra. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn còn có sự chồng chéo giữa chủ rừng nhà nước với người dân; Trên địa bàn thị xã đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình, dự án triển khai thực hiện liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm. Nhận thức và hiểu biết pháp luật về lâm nghiệp của một bộ phận người dân trên địa bàn còn hạn chế. Thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, hanh khô kéo dài, hiện tượng sương mù, sương muối, rét đậm, rét hại thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng rừng mới trồng và công tác PCCCR. Sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR chưa thực sự quyết liệt, chưa theo sát được diễn biến tình hình thực tế; chưa chủ động trong việc chỉ đạo các ngành, đoàn thể, thôn bản để triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan để đề ra các giải pháp khắc phục, thống nhất nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Phạm Tiến Dũng– Phó Chủ tịch UBND thị xã đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong năm 2023. Đồng thời đề ra một số phương hướng nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Đề nghị các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo rà soát, tiếp thu, bổ sung hoàn thiện triển khai công tác kiểm tra; bố trí sắp xếp thời gian xuống cơ sở phụ trách để nắm bắt tốt công tác PCCCR; rà soát lại các khu vực có nguy cơ sảy ra cháy rừng cao,.. Đối với tiểu dự án 1-3 thực hiện việc nghiệm thu, thống nhất chốt số liệu; kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Cân đối, bố trí nguồn vốn đảm bảo cho công tác PCCCR mùa hanh khô 2023 - 2024. Tiếp tục phối hợp với Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh thực hiện cắm mốc ranh giới và hoàn thiện phương án sử dụng đất của Ban quản lý rừng phòng hộ tại các phường Ô Quý Hồ, Phan Si Păng và Hàm Rồng. Các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường duy trì thực hiện tốt các quy chế phối hợp đã ký kết trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR.