Bí thư Chi bộ gương mẫu, làm kinh tế giỏi

"Gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, nhiệt tình, khéo léo vận động quần chúng, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế” - đó là những nhận xét của người dân thôn Tả Chải xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) về Bí thư Chi bộ sinh năm 1970, Lý Phù Chìu.

Một sớm tháng 6 ở Tả Phìn, từ trung tâm xã chúng tôi ngược dốc lên thôn Tả Chải khi bản làng vẫn còn chìm trong màn sương bàng bạc. Theo con đường quanh co, từ xa những ngôi nhà mới khang trang thấp thoáng giữa những vườn hoa đang khoe sắc, từng nương ngô xanh mướt, bờ ruộng uốn lượn như những gợn sóng ven sườn đồi. Diện mạo của một thôn vùng cao đã vượt qua không ít khó khăn để 5 năm liền duy trì danh hiệu “thôn kiểu mẫu” dần dần hiện ra. Chúng tôi có thể cảm nhận rõ cuộc sống ấm no đang bao trùm khắp bản làng.

anh tin bai

Tuyến đường giao thông thôn Tả Chải đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch đẹp.

Xe chúng tôi bon bon vượt qua những con dốc dài lên Tả Chải rồi dừng lại khu vườn rộng hàng nghìn mét vuông ôm trọn lấy căn nhà bằng gỗ khang trang của ông Lý Phù Chìu, Bí thư Chi bộ thôn. Ngồi trò chuyện cùng ông chúng tôi được biết: Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Tả Chải, năm 2013, ông Lý Phù Chìu được người dân trong thôn bầu làm trưởng thôn; năm 2016, ông lại được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ thôn. Ở cương vị nào, ông Chìu cũng gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện trong cuộc sống, lao động để đảng viên, quần chúng học tập. Thời gian đầu khi nhận chức danh Bí thư Chi bộ thôn, ông Chìu luôn nhận được câu hỏi là tại sao ở những nơi khác làm đường giao thông, người dân được đền bù mà ở đây làm đường lại không được? Thậm chí có không ít hộ phản đối. Trước tình hình này, ông Chìu cùng những đảng viên trong thôn - người hiểu rõ chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong xây dựng nông thôn mới kiên nhẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động. “Chúng tôi là đảng viên, chúng tôi tiên phong hiến đất trước. Việc gì cần làm, chúng tôi cũng làm trước. Mắt thấy, tai nghe, những hộ không đồng thuận cuối cùng cũng xuôi. Toàn dân cùng bàn, cùng làm, việc khó cũng thành việc dễ - Ông Chìu cho biết.”

anh tin bai

Bí thư chi bộ Lý Phù Chìu tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất mở đường.

Nói là làm, năm 2017, khi được chính quyền địa phương vận đồng hiến đất làm đường ông Chìu đã tiên phong, đi đầu tự nguyện hiến 1.200m2 đất của gia để dự án sớm được triển khai. Tin tưởng và làm theo ông, 75 hộ trong thôn đã tham gia hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng đường. Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ngày một lan toả sâu rộng đến tất cả người dân không chỉ trong thôn mà của cả xã Tả Phìn.

Giờ đây, con đường trước kia người dân chỉ có thể đi bằng xe Win, xe Minsk trong những ngày nắng ráo thì nay ô tô tải nhẹ cũng có thể đi lại thuận tiện. Được biết, cùng với đầu tư của Nhà nước là sự góp công, góp sức của người dân trong thôn mà đến nay hơn 13 km đường trong thôn đều đã được đổ bê tông với trục đường chính rộng lên 7m, chiều rộng mặt đường đổ bê tông 5m.

Một trong những vấn đề ông Chìu đặc biệt quan tâm là xây dựng chi bộ vững mạnh. Ông Chìu tự nghiên cứu, tìm hiểu các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của cấp trên để lựa chọn những nội dung trọng tâm truyền tải đến các đảng viên một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Chi bộ thôn Tả Chải có 30 đảng viên, để mỗi cuộc họp chi bộ được diễn ra khẩn trương, đạt hiệu quả cao, ông Chìu cùng với Ban chi ủy thống nhất các nội dung sinh hoạt, chú trọng những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân. Tạo không khí dân chủ trong các cuộc họp, ông luôn gợi mở những nội dung để các đảng viên trong chi bộ mạnh dạn tham gia ý kiến, từ đó cuộc họp chi bộ diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng. Nhờ đó, các công việc của bản đều đi đến thống nhất cao, tạo được niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

anh tin bai

Ông Lý Phù Chìu chuẩn bị cho cuộc họp chi bộ triển khai các nhiệm vụ tháng.

Xác định, muốn thay đổi cuộc sống thôn bản thì phải thay đổi tư duy của người dân trong phát triển sản xuất, thi đua giảm nghèo. Hơn 40 qua là con của Tả Chải lại lớn lên trong một gia đình thuần nông, hơn ai hết ông Chìu hiểu được muốn làm giàu từ đồng đất quê hương phải dựa vào chính bàn tay, sức lao động và khối óc của mình. Để phát triển kinh tế, bản thân ông đã tìm tòi, nghiên cứu, hỏi hỏi cách làm ăn qua sách báo, trên tivi và các địa phương lân cận. Nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp với việc trồng hoa địa lan, năm 2012 ông Chìu đã mạnh dạn trồng thử 50 chậu. Sau một năm trồng, chăm sóc hoa địa lan ông Chìu thu về được 150 triệu đồng. Nhận thấy đây là loài hoa có thể giúp thay đổi cuộc sống, nâng cao thu nhập, ông Chìu đã mạnh dạn nâng dần số chậu hoa lan qua từng năm. Đến nay, mô hình “Sản xuất Hoa Địa lan Kiếm Hồng Hoàng” với quy mô gần 1.000 chậu đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, ước doanh thu hàng năm đạt trên 600 triệu đồng. Đồng thời, ông cũng trồng thêm nhiều loài hoa khác để bán ra thị trường trong mỗi dịp Tết đến, xuân về như Đào phai, Đào Thất Thốn, Nhất Chi Mai, với số lượng khoảng 1.000 gốc cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

anh tin bai

Hiện nay mô hình “Sản xuất Hoa Địa lan Kiếm Hồng Hoàng” của gia đình ông Lý Phù Chìu có quy mô gần 1.000 chậu.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, Bí thư Chi bộ Lý Phủ Chìu cũng thường xuyên gần gũi, chia sẻ cách làm ăn cho bà con trong thôn. Ông tích cực vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng hoa địa lan cho thu nhập cao.

Gia đình anh Tẩn Vần Quẩy trước đây là một trong những hộ nghèo của thôn Tả Chải. Được ông Chìu tuyên truyền, vận động trồng thử hoa địa lan, anh Quẩy mạnh dạn làm theo. Từ khi chuyển sang trồng địa lan, gia đình anh có nguồn thu ổn định. Anh Quẩy bộc bạch: Trước đây thôn nghèo, không có đường đi nên muốn bán gì cũng khó, làm gì cũng phải đắn đo. Thế nhưng từ ngày có chương trình xây dựng nông thôn mới, đường trong thôn được đổ bê tông, ô tô có thể chạy đến tận cửa nhà mua hoa lan. Thu nhập mấy năm qua cũng khá nên giờ gia đình tôi không còn thuộc diện hộ nghèo, đã có của ăn, của để.

Hay như gia đình ông Lý Phù Nhàn là một gương điển hình trồng và chăm sóc hoa địa lan có hiệu quả kinh tế của thôn Tả Chải. Mới đầu đi rừng đi rừng thấy cây lan nở bông đẹp nên mang về chơi cảnh, nhưng có khách vào mua với giá cao nên ông đã nhân rộng chậu ra ngày một nhiều để bán. Để hoa lan phát triển tốt, ông đã sang gặp gỡ, trao đổi với người Bí thư Chi bộ của thôn để học cách chăm sóc. Sau khi được ông chìu hướng dẫn tận tình, ông Nhàn đã nhân rộng số lượng chậu lan lên hàng chục chậu. Ông Nhàn cho biết: “Trước gia đình rất khó khăn, nhờ trồng và bán cây địa lan nên kinh tế gia đình giờ đây rất tốt. Mỗi năm trừ chi phí thì gia đình cũng thu về khoảng 100 triệu đồng”.

Nhằm cổ vũ phong trào sản xuất, ông Chìu đã họp, bàn bạc với các đảng viên thống nhất góp tiền mua chậu, giống lan để xây dựng mô hình trồng hoa địa lan gây dựng quỹ cho chi bộ. Sau 8 năm, từ 40 chậu hoa địa lan ban đầu, đến nay mô hình đã có hàng trăm chậu lan, số tiền lãi thu được, chi bộ tiếp tục tái sản xuất, mở rộng quy mô và sử dụng cho công việc chung theo nguyên tắc công khai, minh bạch. 

Ông Lý Phù Chìu, Bí thư chi bộ thôn Tả Chải, xã Tả Phìn chia sẻ: “Sau khi trồng thử nghiệm tôi thấy cây lan rất tốt, thế là tuyên truyền chủ lực cho bà con trồng. Tôi vận động mỗi hộ nên mở rộng diện tích, trồng thử từ 50 giò lan trở lên. Đến nay, 100% hộ trong thôn đã tham gia mô hình trồng hoa địa lan. Người dân ở đây cũng mạnh dạn thử sức với những mô hình kinh tế mới như trồng cây dược liệu, đào phai, đào thất thốn, nhất chi mai. Những hộ “nghĩ lớn, làm lớn” có những năm thu hàng trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng từ những mô hình kinh tế này.” Hiện nay, Tả Chải là thôn có diện tích trồng hoa lớn nhất xã với trên 20 ha, nhờ trồng hoa, nhiều hộ có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ ngày càng được nhiều người lựa chọn, nhất là sau những tác động của dịch Covid-19 tới sức khỏe. Ông Chìu phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền vận động bà con nhân dân trên địa bàn xã Tả Phìn nói chung cũng như thôn Tả Chải nói riêng tập trung bảo tồn hàng chục ha rừng tự nhiên, với trên 256 loài cây thuốc quý. Theo ông Chìu, phần lớn cây thuốc tắm phân bố chủ yếu trong hệ sinh thái tự nhiên, việc khai thác quá mức và không theo quy hoạch sẽ làm cho diện tích và trữ lượng tài nguyên này bị giảm, cần phải được quản lý, bảo tồn, đảm bảo cung ứng bền vững nguồn dược liệu quý. Nhận thức rõ điều này, thôn Tả Chải đã thành lập Đội bảo tồn nguồn cây dược liệu quý với 22 hộ dân tham gia. Đội bảo vệ thực hiện phân chia 2 người/tuần tham gia tuần tra bảo vệ nguồn cây dược liệu trên diện tích 65 ha rừng tự nhiên của xã. Đây là cách để duy trì các giá trị truyền thống, văn hóa và tri thức bản địa, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ rừng, cũng như tăng thu nhập bền vững từ rừng cũng như từ phát triển du lịch cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Ông Chìu chia sẻ thêm: Cây lúa cho người dân no cái bụng, cây địa lan giúp bà con thoát nghèo, còn phát triển du lịch là cơ hội để người dân làm giàu. Vì vậy, bảo tồn được nguồn cây dược liệu sẽ giúp bà con trong thôn làm giàu từ du lịch dựa trên chính bài thuốc cổ truyền của dân tộc.

anh tin bai

Nhân dân trong thôn tập trung phát triển kinh tế từ trồng hoa địa lan.

Từng là thôn nghèo nhất nhì thị xã Sa Pa, kinh tế của người dân Tả Chải phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp. Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên “cú huých” làm thay đổi lớn cho đời sống người dân và diện mạo của thôn. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, trực tiếp là Bí thư Lý Phù Chìu, thôn Tả Chải đã có bước chuyển mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 40 triệu đồng/năm; trong thôn chỉ còn 3 hộ nghèo trong tổng số 118 hộ. Đây cũng là thôn có tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng nhất không chỉ của Tả Phìn mà của cả thị xã Sa Pa. Chi bộ thôn 5 năm liên tục (2018 - 2023) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kinh tế người dân ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao đã tạo nên sức mạnh nội lực rất lớn giúp Tả Chải đạt hết các tiêu chí trong xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu và duy trì danh hiệu này từ năm 2018 đến nay.

Đồng chí Giàng A Sà, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn cho biết: Đời sống của người dân trong thôn Tả Chải chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nay người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để đẩy mạnh phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. Có được sự thay đổi đó phải nhắc đến đóng góp của đồng chí Bí thư chi bộ Lý Phù Chìu. Từ sự gương mẫu, tiên phong của đồng chí Chìu, người dân có ý thức hơn, đua nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng Đảng ủy, chính quyền xã Tả Phìn từng bước thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong bất cứ công việc của thôn, của xã đồng chí Chìu hết sức gương mẫu, trách nhiệm, là tấm gương sáng để nhiều người học tập.

Ẩn mình giữa những vườn lan, vườn đào khoe sắc thắm, làng tỷ phú Tả Chải như một bức tranh xuân sinh động, tràn đầy sức sống. Những đổi thay từ tư duy đến hành động của đồng bào nơi đây đã biến vùng đất một thời gian khó trở thành một vùng quê đáng sống. Trên hành trình ấy, người Bí thư chi bộ Lý Phù Chìu luôn phát huy vai trò “đầu tàu” dẫn dắt, tạo động lực để người dân nơi đây khắc phục khó khăn và gặt hái thêm nhiều thành tích mới.

Tuấn Nguyễn (Trung tâm VH,TT-TT Sa Pa)
Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập