Gieo niềm tin vào ngày mai tươi sáng

Cứ 6h30 sáng hàng ngày, trên chiếc xe wave đã cũ của cô giáo Phan Thị Bẩy, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Trung Chải lại di chuyển trên con đường đến với điểm trường họ Cứ thuộc thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa. Sau khi trải qua quãng đường dài 5km ghập ghềnh nhiều sỏi đá và dốc quanh co. 7h sáng, những thanh âm bắt đầu một ngày làm việc của cô giáo bám bản, đến nhà gọi học sinh đến lớp trong sự tin tưởng, yêu mến của các phụ huynh học sinh người dân tộc Mông sinh sống quanh điểm trường họ Cứ.

anh tin bai

 

Cô giáo Phan Thị Bẩy, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Trung Chải, thị xã Sa Pa đã có 25 năm gắn bó giảng dậy tại khắp các điểm trường xa xôi của xã vùng cao Trung Chải và câu chuyện đời, chuyện nghề cõng cái chữ lên non của cô giáo năm nay đã ngoài 50 tuổi cũng ghập ghềnh, trắc trở như con đường mà hàng ngày cô đến với điểm trường họ Cứ.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Thái Bình trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Ngay từ khi còn nhỏ, cô Phan Thị Bẩy đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một người giáo viên nhưng gia đình đông anh chị em, cô đã không thể thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo. Không nản lòng, cô gái 18 tuổi ngày ấy đã dành dụm, tích cóp từng đồng tiền đi làm thuê nấu cơm phục vụ các công trình xây dựng để rồi sau đó 7 năm cô đã trở thành sinh viên của trường Trung cấp sư phạm tỉnh nhà. Ngay sau khi ra trường cô đã lên nhận công tác tại xã Trung chải, một xã đặc biệt khó khăn của thị xã Sa Pa. Sau nhiều năm gắn bó, xã Trung Chải giờ đây đã trở thành gia đình, là quê hương thứ hai và những tâm tư nặng trĩu về các học trò nhỏ người Mông, người Dao. Cô Phan Thị Bẩy chia sẻ: “Điều mà tôi trăn trở khi mà đang công tác tại vùng cao này đó là học sinh ở vùng cao này hoàn cảnh gia đình của các em rất là khó khăn....Tôi cũng chỉ biết dành tình thương của mình cho các con bằng cách là mình đem hết cái khả năng của mình, tâm huyết của mình để dậy cho các con những điều mà cần thiết nhất. Dậy các em học về kiến thức, dậy các em về kỹ năng sống, Chào hỏi, thưa gửi, rửa mặt mũi chân tay, đầu tóc, quần áo gọn gàng. Khi có một học sinh ốm, một ngày không đến lớp thì tôi cũng đến gia đình học sinh để tôi gọi xem em nó ốm như nào?”

Điểm trường họ Cứ có 31 em học sinh là người dân tộc Mông, dân tộc Dao đỏ. Lớp 2 do cô Bẩy phụ trách có 15 em. Trên các khuôn mặt còn lấm lem được cô giáo hàng ngày chăm sóc, mặc thêm áo ấm cho từng em mỗi khi mùa đông về sương mù giăng kín lối đi, là bữa trưa với mì tôm chan cơm nhưng vẫn vô cùng ấm áp, là giấc ngủ trưa bên manh chiếu cuối lớp học và những tiếng lòng thơ ngây của con trẻ.

anh tin bai

Cô giáo Phan Thị Bẩy trong một lần được tuyên dương trong Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Ngoài là một cô giáo tận tâm với nghề, cô giáo Bẩy còn là một người rất đa tài và luôn lạc quan vượt qua nghịch cảnh mà cuộc đời mang đến khi thiên chức làm mẹ đã không được vuông tròn. Những lời thơ, lời văn, tiếng hát của cô luôn nhiều tâm sự nhưng vẫn ánh lên hy vọng vào ngày mai. Ngoài các danh hiệu về giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thị xã cô Bẩy đã có rất nhiều thành tích nổi bật trong các cuộc thi viết do tỉnh Lào Cai tổ chức như: Giải Nhất  Cuộc thi “Viết về tấm gương điển hình nhà giáo Lào Cai làm theo lời Bác” năm 2018; Cuộc thi viết bài tuyên truyền về Ngày hội bầu cử 23/5/2021. Do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức;  Cuộc thi: ”Viết về Giáo dục Lào Cai sau 30 năm tái lập Tỉnh”- do Sở Giáo dục Đào tạo Lào Cai tổ chức năm 2021. Giải Nhất- Hội thi “ Cán bộ Công đoàn giỏi- Tỉnh Lào Cai ( Tháng 3/ 1999)- Do Liên đoàn Lao động Tỉnh Lào Cai tổ chức; Giải Nhì – Hội thi “ Phụ nữ với kiến thức Pháp luật và gia đình- Do Huyện Sa Pa tổ chức (Năm 2004); Giải Chuyên đề Hội thi “ Phụ nữ với kiến thức Pháp luật và gia đình- Do Tỉnh Lào Cai tổ chức ( Năm 2004); Giải Nhất phần thi năng khiếu – Hội thi Luật Bảo vệ rừng – Do Huyện Sa Pa tổ chức (Năm 2005) ....Những đóng góp và sự nỗ lực vươn lên của cô Bẩy luôn được đồng nghiệp và lãnh đạo ngành Giáo dục thị xã Sa Pa đánh giá cao. Ông Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng Giáo dục thị xã Sa Pa cho biết: “Cô Phan Thị Bẩy trong những năm qua chính từ những tình thương yêu nghề mến trẻ của cô Bẩy đã tạo nên động lực cũng như là sự lan tỏa là tấm gương cho các thế hệ giáo viên trẻ, tạo sự lan tỏa cho các giáo viên đến công tác tại những vùng khó khăn như Sa Pa.”

Với tấm lòng sâu nặng với học sinh vùng cao, những bài học của cô giáo Bẩy cũng vì thế mà đơn sơ, mộc mạc dễ hiểu, dễ nhớ. Cô đã thắp lên ngọn lửa niềm tin vào ngày mai tươi sáng bằng những bài học giản dị rằng khi có kiến thức sẽ giúp tương lai của các em rộng mở hơn và có thể bước ra bậc thang nhà sàn để đến với thế giới bao la, rộng lớn ngoài kia. Cô giáo Phan Thị Bẩy mong muốn: “Để các cháu đỡ vất vả, khó khăn thì tôi mong muốn là tất cả xã hội chúng ta sẽ cùng chung tay để làm công tác xã hội hóa giáo dục với điểm trường họ Cứ của chúng tôi và tất cả những nơi vùng cao. Các em sẽ nhận được tấm lòng hảo tâm của các nhà tài trợ về vật chất....chung tay vào để các em đỡ vất vả, chúng tôi cũng yên tâm để dậy các em.”

Khi được đi học, có kiến thức thì trồng cây ngô, cây sắn cũng sẽ có thành quả khác biệt và trong sự nghiệp giáo dục tại vùng cao gian khó đã có nhiều tấm gương như cô Phan Thị Bẩy, những người đã dành cả thanh xuân, cả nhiệt huyết và lý tưởng sống để vượt qua khó khăn, trắc trở đem cái chữ đến với vùng cao...

Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập