Ngôi nhà trệt vách gỗ, mái lợp tôn xi măng nằm nép mình cuối con dốc nhỏ trên đường đi Tả Chải từ lâu đã trở thành địa điểm "truyền lửa" chữ Nôm Dao cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên người Dao Đỏ.
Thầy Siệu luôn hướng dẫn riêng từng em đọc và viết chữ Nôm Dao.
Đó là lớp học chữ Nôm Dao của thầy Tẩn Vần Siệu ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), lúc nào cũng văng vẳng tiếng ê a luyện giọng của nhiều thế hệ học trò từ hơn 20 năm nay.
Từ những năm 2000, với ý chí nỗ lực cùng sự hỗ trợ của vợ con, lớp học chữ Nôm Dao bắt đầu hình thành từ 2003.
Thừa hưởng kiến thức từ người cha (một người thầy dạy chữ Nôm Dao trong vùng) nên từ thời trai trẻ thầy Siệu đã ấp ủ mong muốn tiếp nối lưu truyền kho tàng văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau. Vậy là sau giờ lên lớp, ông lại lần mò vào tận các bản làng xa xôi thuyết phục các gia đình người Dao cho con cháu đến lớp học chữ.
Không chỉ dạy học, thầy Siệu còn cưu mang nhiều học trò nghèo miễn học phí. Dù nhà nhỏ nhưng thầy Siệu vẫn cho học trò tá túc ăn ở tại đây cho đến hết khóa học. Mỗi khóa học kéo dài khoảng 15 ngày. Thời gian học tối thiểu phải 3 năm học trò mới có thể đọc, viết thông thạo.
Ngoài truyền bá chữ Nôm Dao, thầy Siệu còn sưu tầm những bài dân ca cổ, các nghi thức truyền thống, dịch thuật, biên soạn và phát triển chữ Nôm Dao - một di sản văn hóa phi vật thể của người Dao.
Với những đóng góp lớn lao cho cộng đồng, cuối tháng 9-2022, ông là một trong hai nghệ nhân của tỉnh Lào Cai được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.
Học trò cũ lớp Nôm Dao từ Thái Nguyên về thăm thầy Siệu.
Lớp học mở rộng cho mọi lứa tuổi của người Dao Đỏ cùng tham gia.
Thầy Siệu chuẩn bị bài giảng trước giờ lên lớp.
Thiếu nữ người Dao Đỏ tham gia lớp học của thầy Siệu.
Đường đến lớp của các em.
Thư tịch cổ do thầy Siệu lưu giữ - chữ Nôm Dao là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam.