Nguyễn Thanh Hằng- Người thương binh làm kinh tế giỏi

Phát huy bản chất “Bộ đội cụ Hồ” thời gian qua trên địa bàn thị xã Sa Pa đã có nhiều gương thương binh tiêu biểu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, vượt khó vươn lên làm kinh tế, trở thành tấm gương sáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thương binh Nguyễn Thanh Hằng ở phường Hàm Rồng là một điển hình  như vậy.

Thương binh Nguyễn Thanh Hằng chỉ đạo chăm sóc vườn nhất chi mai.

Tháng 3/1984, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi của tổ quốc ông Nguyễn Thanh Hằng đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 149 sư đoàn 356. Tháng 12/1984 ông Hằng được cấp trên tin tưởng điều động vào trung đội cảm tử,  tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương cho Tổ quốc ở chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang. Vào đúng những ngày giáp tết, sau một trận cao điểm giữ chốt ông đã bị thương với nhiều vết thương trên cơ thể. Không khuất phục nỗi đau, sau thời gian điều trị, ông trở lại đơn vị, tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới đất nước.Tháng 7/1987, ông Nguyễn Thanh Hằng được xuất ngũ với tấm Huân chương chiến công hạng 2, giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân ngũ, là thương binh hạng 4/1với tỷ lệ thương tật 31%.

Trở về đời thường, năm 1990, ông lấy vợ và chọn mảnh đất Sa Pa, quê vợ làm nơi lập nghiệp, những ngày đầu nghèo khó với những vết thương cắt dài trên cơ thể khiến cho mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn với người Cựu chiến binh (CCB). Đứng trước nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng được sự động viên, chăm sóc của người vợ hiền, cùng với ý chí kiên cường được tôi luyện trong những tháng năm quân ngũ, giữ vững bản chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ", thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Thanh Hằng đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, qua nhiều năm gia đình ông đã gây dựng được một khu vườn trồng Nhất Chi Mai với diện tích 5 nghìn m2 và hơn 7 nghìn gốc. …

Nhờ sự động viên chăm sóc của người vợ hiền, thương binh Nguyễn Thanh Hằng đã vượt qua nỗi đau thể xác để vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với trách nhiệm là một hội viên Cựu chiến binh, bản thân ông cũng thường xuyên quan tâm chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên CCB với mong muốn giúp anh em CCB vươn lên làm giàu, vượt khó, đồng thời cũng đã tạo công ăn việc làm cho hơn chục lao động người dân tộc thiểu số ở địa phương... anh Má A Bâu, tổ 2 phường Hàm Rồng  tâm sự: “ Nhà tôi ở gần nhà ông Hằng, bản thân tôi và vợ con không có việc làm ổn định, ông Hằng đã nhận tôi và vợ vào làm, chăm sóc cây Mai, mỗi ngày trả cho 250 nghìn, nhờ đó gia đình tối đã có thu nhập ổn định”. Cùng với việc chăm sóc vườn Nhất Chi Mai,ông Hằng cùng với vợ con còn  chăn nuôi gà vịt, trồng thêm Ngô và rau thời vụ. Hiện, ông đang nuôi đàn gà, vịt với hơn 200 con, chăm sóc 0.5ha cây ngô và 200m2 rau các loại. Mùa nào thức nấy, nhờ chịu khó chăm sóc, rau của gia đình ông lúc nào cũng xanh tốt. Đây cũng là công việc giúp ông tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong cuộc sống, bỏ qua những đau đớn, mất mát chiến tranh đã gây ra, khẳng định tinh thần chiến đấu, ý chí vượt gian khổ trong thời bình của những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chia sẻ về quãng thời gian tham gia kháng chiến hào hùng và những vất vả khi trở về địa phương, ông tâm sự:  “Với bản chất anh bộ đội cụ Hồ, tôi luôn tâm niệm cuộc sống có rất nhiều khó khăn, phải luôn nỗ lực, phấn đấu làm kinh tế để giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng quê hương, xóm làng ngày càng phát triển ".

Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, thương binh Nguyễn Thanh Hằng còn luôn dạy dỗ con cháu, chăm ngoan, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội.

Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ông Hằng luôn giáo dục con cháu phải trung thành với Đảng, biết ơn các thế hệ đi trước, sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh. Các con ông hiện đều đã trưởng thành và có gia đình yên ấm, hạnh phúc. Ghi nhận những thành tích trên, nhiều năm liền gia đình ông đã được nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Về thương binh Nguyễn Thanh Hằng, ông Phạm Văn Vịnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng, nơi gia đình ông Hằng sinh sống cho biết: “ Gia đình ông Nguyễn Thanh Hằng là gia đình thương binh luôn chấp hàng tốt chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước và biết vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, trở thành một trong những gương điển hình ở địa phương”. Thương binh Nguyễn Thanh Hằng chính là tấm gương sáng có sức lan tỏa trong thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Lê Hưng- Tuấn Nguyễn 

Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập