Thiết thực với mô hình trường học “Bảo tồn và phát huy văn hóa người Mông gắn với du lịch” ở Trường PTDTBT TH& THCS Hầu Thào

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường PTDTBT TH& THCS Hầu Thào đã xây dựng mô hình trường học “Bảo tồn và phát huy văn hóa người Mông gắn với du lịch”. Sau 1 năm triển khai, Mô hình đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng tình đoàn kết, gắn bó trong học sinh với cộng đồng, địa phương.

Dạy thêu hoa văn trên trang phục người Mông cho các em học sinh lớp 6.

Được sự giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Sa Pa, chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào  thuộc xã Mường Hoa, nơi sinh sống của trên 90%  người  dân tộc Mông…ấn tượng đầu tiên chính là con đường thổ cẩm cùng những  tiểu cảnh  sơn thủy hữu tình, điểm xuyết với khu chòi đọc sách cho học sinh và bức tranh phong cảnh được vẽ trên tường, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Sa Pa. Đây là nơi nhà trường bố trí thành thư viện ngoài trời cho HS trong những giờ ra chơi. và cũng là nơi các em  thực hiện thêu thùa  trên các bộ trang phục mang đậm bản sắc dân tộc mình. Em Má Thị Thu Hằng, HS lớp 4A3 trường Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào  tâm sự : “Ở  trường em được học thêu thùa cùng các bạn, được thầy cô dạy về văn hóa người mông, em rất tự hào về dân tộc mình trong đó có trang phục của người Mông chúng em…”

Con đường thổ cẩm được trang trí bởi chính các thầy cô trong trường, với những hình hoa văn sinh động giúp các em thêm yêu và nâng cao ý thức trong việc gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.

Để thực hiện thành công mô hình Nhà trường đã có những việc làm cụ thể như: phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể địa phương, phụ huynh học sinh làm tốt công tác tuyên truyền; thành lập hội đồng tư vấn về biên soạn tài liệu để lồng ghép, tích hợp 14 tiết dạy lồng ghép nội dung trường học gắn với thực tiễn thuộc các bộ môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Âm nhạc. Bố trí riêng cho học sinh lớp 9 tìm hiểu có hệ thống về những lịch sử và những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông tại địa phương cũng như định hướng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong bộ môn Tự chọn 9 với 35 tiết/năm học. Biên soạn bộ tiêu chí đánh giá; xây dựng phòng trưng bày các nét văn hóa độc đáo của  dân tộc Mông trên địa bàn xã Mường Hoa. Nhà trường còn khuyến khích học sinh dân tộc mặc trang phục truyền thống vào thứ hai hàng tuần; tổ chức các trò chơi trong các buổi sinh hoạt tập thể; mời phụ huynh tham gia dạy cho học sinh trong câu lạc bộ về thêu thùa,múa, hát…vv...

Bên cạnh đó nhà trường còn làm tốt công tác tham mưu với UBND xã để được hỗ trợ về trang phục, nhạc cụ và dụng cụ sinh hoạt truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã để xây dựng phòng trưng bày. Tham mưu với Phòng GD&ĐT để được đầu tư một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho xây dựng mô hình.

Một tiết dạy ngoại khóa về văn hóa Mông tại phòng trưng bày cho các em học sinh lớp 8.

Tại phòng trưng bày của nhà trường, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em học sinh đã tự làm, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của dân tộc mình. Không chỉ đơn thuần là việc giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng, mà thông qua việc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, các em có cơ hội giới thiệu đến bạn bè những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình với niềm tự hào, kiêu hãnh. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, tăng cường sự gắn kết giữa học sinh các dân tộc với nhau. Cô giáo Lê Thị Vân,  giáo viên môn ngữ văn,phụ trách mô hình  chia sẻ: “Trước đây các em không thích mặc trang phục người Mông khi mà phải mặc vào thứ hai đầu tuần nhưng nay các em đều hào hững mặc.Nhiều em tâm sự, trước đây các em không nghĩ trang phục của mình lại đẹp đến thế, văn hóa của dân tộc Mông lại đặc sắc đến thế và dần dần giúp các em thêm yêu văn hóa của dân tộc mình…”.

Với những việc làm trên cùng với sự nỗ lực quyết tâm của cả thầy và trò mô hình trường học “Bảo tồn và phát huy văn hóa người Mông gắn với du lịch” trong nhà trường đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Giúp các em luôn gắn bó với trường, lớp, phong phú hơn sự hiểu biết, tự hào về nguồn cội và từ đó cố gắng học hành để xây dựng quê hương đất nước  ngày một giàu đẹp.

Lê Hưng- Tuấn Nguyễn (Trung tâm VH,TT-TT Thị xã Sa Pa)

 

 

Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập