Tài nguyên

1. Tài nguyên đất:
Theo kết quả điều tra, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 1960 và đánh giá bổ sung năm 1994 (trừ diện tích mặt nước, núi đá, đất chuyên dùng và khoảng 203 ha đất ở không điều tra), cho thấy huyện Sa Pa có 6 nhóm đất chính và được chia làm 8 loại đất phụ sau :
- Nhóm đất mùn Alit trên núi cao (HA): Có diện tích 12.060 ha, chiếm 17,77% diện tích tự nhiên. Đất được hình thành trên độ cao 1700 m - 2800m, phân bố hầu hết ở các đỉnh núi cao, có nguồn gốc phát sinh từ nhiều loại đá mẹ khác nhau. Thích nghi với các loại cây lâm nghiệp, cây đặc sản, cây dược liệu và cây lương thực, thực phẩm có giá trị.

- Nhóm đất mùn thô than bùn trên núi cao (HT): Diện tích 126 ha chiếm 0,18% diên tích tự nhiên, phân bố ở đỉnh cao 2.800 - 3.143 m của đỉnh Phan Xi Păng. Trong điều kiện khí hậu lạnh quanh năm rét khô, mùa đông có băng giá, vì vậy đất mang tính ôn đới khá rõ.

- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi cao từ 700 - 1.700 m (HF): Diện tích 44.300 ha chiếm 65,28 % diện tích tự nhiên, đá mẹ chủ yếu là đá Granit thuộc nhóm đá, tầng đất trung bình 70 - 100 cm, thích hợp với nhiều loại cây trồng lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lương thực, rau màu.

- Nhóm đất Fe ralit đỏ vàng trên núi thấp và trung bình (F): Phân bố ở độ cao 400 - 700 m, diện tích 3.533 ha, chiếm 5,21 % diện tích tự nhiên.

- Nhóm đất Feralit đỏ vàng bị biến đổi do trồng lúa nước (FL): Diện tích 1.065 ha chiếm 1,57 % diện tích tự nhiên, đất được hình thành trong quá trình canh tác lúa nước lâu đời, phân phố giải rác khắp nơi trong huyện

- Nhóm đất thung lũng và sản phẩm dốc tụ (D): Diện tích 862 ha, chiếm 1,27 % diện tích tự nhiên.

2. Tài nguyên nước:

Tài nguyên nước của Sa Pa phong phú, là đầu nguồn của hai hệ thống suối Bo và suối Đum, hàng năm được bổ sung lượng mưa đáng kể, để lại một khối lượng nước mặt và nước ngầm lớn.

- Nguồn nước mặt: Được tiếp nhận trung bình hàng năm khoảng 1,63 tỷ m3, lượng dòng chảy toàn phần là 1.873 mm, lớp dòng chảy mặt là 1.252 mm, dòng chảy ngầm là 648 mm. Lượng trữ ẩm lãnh thổ 1.180 mm và lượng bốc hơi thực tế 532 mm. Cùng với mạng lưới ngòi, suối tự nhiên khá dày và hệ thống các công trình thuỷ lợi, hồ chứa, phai đập được xây dựng trong thời gian qua đã góp phần đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Nguồn nước ngầm: Theo tài liệu khảo sát của trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia (1994) - Viện địa lý cho thấy: Trữ lượng động tự nhiên nước ngần của Sa Pa ở mức 383.566 m3/ngày, độ pH từ 6 - 8,5, độ khoáng hoá từ 0,16 - 0,75 g/l và các thành phần hoá học đạt yêu cầu nước dùng cho sinh hoạt. Ngoài ra Sa Pa còn có nguồn nước siêu nhạt ở Tắk Cô (xã Trung Chải) có giá trị rất lớn cho sức khoẻ cần được đầu tư, nghiên cứu đưa vào khai thác sử dụng.

3. Tài nguyên rừng:

Năm 2001 Sa Pa có 32.878,70 ha đất lâm nghiệp có rừng, trong đó đất có rừng tự nhiên 28.010,8 ha, đất có rừng trồng 4.864,9 ha và đất ươm cây giống 3 ha. Theo mục đích sử dụng thì đất có rừng sản xuất chiếm 6,26 %, đất có rừng phòng hộ chiếm 48,51 % và đất có rừng đặc dụng chiếm 45,22 %. Trữ lượng rừng hiện có ước tính khoảng trên 2,0 triệu m3 gỗ và gần 8,0 triệu cây tre, nứa các loại, diện tích rừng có trữ lượng từ giàu đến trung bình chiếm khoảng 25 % diện tích đất lâm nghiệp.

Rừng sản xuất và rừng phòng hộ được phân bố ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện, rừng đặc dụng tập trung chủ yếu ở 5 xã thuộc vườn quốc gia Hoàng Liên gồm: Tả Van, Bản Hồ, Lao Chải và San Sả Hồ. Thảm thực vật rừng chủ yếu là rừng tái sinh mật độ thấp với các cây bản địa như: Pơ mu, Thông tre, Thông nàng, Du  sam, Vàng tâm, Gù hương... và rừng trồng với các loại cây như: Sa mộc, Tống quá sủi, Vối thuốc, Mỡ...Động vật rừng: Theo tài liệu nghiên cứu “Động vật rừng thuộc cảnh quan núi Hoàng Liên” của viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thì núi Hoàng Liên hiện có 380 loài động vật khác nhau năm trong 24 bộ và 83 họ với số loài như sau: Thú (Nammanila) 56 loài, chim (Aves) 217 loài, bò sát (Reptilia) 73 loài và ếch nhái (Amphibia) 34 loài. Trong đó có 37 loài động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ.

Rừng của Sa Pa đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm phòng hộ môi trường, góp phần hạn chế lũ lụt, hạn hán ở hạ lưu. Tuy nhiên việc khai thác không hợp lý trong thời gian qua đã làm cho tài nguyên rừng bị đe doạ, tầng tán bị phá vỡ, chất lượng rừng thấp. Động vật rừng ngày càng giảm về số lượng do bị săn bắt và di cư đi nơi khác, một số loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy cần có biện pháp khai thác, bảo vệ rừng hợp lý và có hiệu quả hơn.

4. Tài nguyên khoáng sản:

Theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện địa chất và khoáng sản, Sa Pa có các loại khoáng sản sau:

- Mô lip đen ở xã Tả Giàng Phình có trữ lượng không đáng kể.

- Đô lô mit ở xã Lao Chải và Thị trấn Sa Pa với trữ lượng khoảng 3 triệu tấn, có hàm lượng MgO dao động từ 16 - 21 %, là nguyên liệu sử dụng cho nhiều lĩnh vực như: Vật liệu chịu lửa, thuỷ tinh, bột mài và trong công nghiệp luyện kim.

- Cao lanh trữ lượng khoảng 300.000 tấn ở xã Sa Pả, hàm lượng Al2O3 không qua tuyển lọc đạt 36 -38 %, đã được đưa vào sản xuất gạch chịu lửa tại nhà máy gạch Cầu Đuống đạt chất lượng tốt.

- Nước khoáng siêu nhạt ở Tắk Cô xã Trung Chải.

Ngoài ra tiềm năng về tài nguyên đá cho sản xuất vật liệu xây dựng như đá xẻ, đá xây dựng rất lớn, nằm ở hầu hết các xã trung và thượng huyện.

Hiện nay việc đầu tư, khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, quy mô nhỏ, hiệu quả thấp.

5. Tài nguyên du lịch:

Trọng tâm là khu du lịch nghỉ mát Sa Pa - một trong 21 trọng điểm du lịch của Việt Nam. Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1.200m - 1.800m, khí hậu mát mẻ quanh năm, có phong cảnh rừng cây núi đá, thác nước và là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc như chợ vùng cao, chợ tình Sa Pa,...

Trong địa phận huyện Sa Pa có đỉnh Phan Xi Păng là đỉnh núi cao nhất Đông Dương cách mực nước biển 3.143m. Phía Tây của huyện có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Sơn đã được xây dựng từ năm 1994 nhằm gìn giữ phần rừng còn lại trên triền núi Phan Xi Păng. Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên hấp dẫn nhiều nhà khoa học, khách du lịch đến nghiên cứu và thăm quan.

6. Tài nguyên nhân văn:

Được hình thành trên miền đất cổ, huyện Sa Pa có 7 dân tộc chính, gồm: Mông, Dao, Tày, Kinh, Dáy, Xã Phó (Phù Lá) và Hoa. Trong đó người Mông chiếm 54,9 %, Dao 25,6 %, Kinh 13,6 %, Tày 3 %, Dáy 1,6 % còn lại là các dân tộc khác. Các đồng bào dân tộc cư trú ở 17 xã, sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nghề rừng và những ngành nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan… Dân tộc kinh cư trú chủ yếu ở thị trấn Sa Pa, sống bằng nghề nông nghiệp và dịch vụ thương mại.

Các dân tộc có tiếng nói và phong tục tập quán riêng. Người H’Mông sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đã có chữ viết riêng của dân tộc mình. Người Dao còn dùng chữ nho để ghi chép. Do sống chung và xen kẽ nhau trong các làng, bản nên mỗi dân tộc có thể biết tiếng của dân tộc khác và am hiểu phong tục tập quán của nhau.

Nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết cùng tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các ngày lễ hội truyền thống như hội “Gâu xtao” của người Mông, “Lễ tết nhảy” của người Dao, lễ hội “Xuống đồng” của người Dáy, múa “Mừng được mùa” của  người Xã Phó, lễ hội “Hát then” của người Tày, hội “Rước đèn, múa lân, tế lễ” của người Kinh. Các buổi chợ phiên vùng cao, chợ tình Sa Pa không chỉ là nơi giao lưu kinh tế đơn thuần, mà còn hàm chứa nét văn hoá sống động truyền thống của nhân dân các dân tộc vùng cao.

Tin khác
Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập