Kết quả thực hiện Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn thị xã Sa Pa
Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCHTW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Quyết định số 2760/QĐ-UBND ngày 27/8/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Thị uỷ Sa Pa đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/HU, ngày 15/3/2014 về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Đề án số 05-ĐA/TU ngày 09/10/2020 của Thị uỷ Sa Pa về “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện - Khoa học công nghệ, giai đoạn 2020 - 2025” ; chỉ đạo nâng cao trình độ lý luận chính trị thông qua học tập các chỉ thị nghị quyết của Đảng, tư tưởng đạo đức cách mạng gắn với nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhất là việc quán triệt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó tác động tích cực việc nâng cao đạo đức cách mạng, năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và nhiệm vụ giáo dục nói riêng tại địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW; chỉ đạo ngành giáo dục phát động phong trào thi đua đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống tiêu cực trong giáo dục; không có vi phạm đạo đức nhà giáo; thi đua “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Dạy tốt, Học tốt”; khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; “Nội trú dân nuôi”.

Xây dựng môi trường sư phạm tốt, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, thực hiện chuẩn đạo đức nghề nhà giáo, học sinh, trong đó chú trọng môi trường giáo dục, kỷ cương, nền nếp, quy tắc ứng xử, ngôn ngữ, trang phục trường học, công sở. Chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các phương án dạy học trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị và địa phương như: Dạy học trực tuyến; giao bài tập qua zalo nhóm; phiếu bài tập; điều chỉnh các tư liệu, bài giảng, video tiết học hiện có hoặc tận dụng của các năm học trước chuyển cho học sinh. Duy trì mô hình trường học mới ở 20 trường Tiểu học, 15 trường THCS. Để đảm bảo khả thi, ngành đã chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất, quyết tâm, đồng thuận cao trong nhân dân, nhà trường. Kiểm tra thường xuyên các trường triển khai mô hình THM: Dự giờ; khảo sát học sinh; đánh giá; tư vấn; thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giờ học. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học (theo cụm trường; cấp trường trọng tâm nâng cao chất lượng giờ học, kiểm soát được từng hoạt động dạy, kiểm soát được hoạt động học của học sinh đối với cấp TH và THCS). Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập. Tỷ lệ chuyên cần được nâng lên, đặc biệt là cấp THCS đạt 97,71% (tăng 0,21% so với chỉ tiêu đề ra). Thị xã đạt chuẩn PCGD: Mầm non cho trẻ 5 tuổi; Tiểu học mức độ 3; THCS mức độ 2; PCGD XMC mức độ 2. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 30,7% (vượt 0,7% so với Đề án 06- ĐA/TU của Tỉnh ủy) Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học đạt 100%; học sinh hoàn thành Chương trình Tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,07%. Tỷ lệ người biết chữ mức 1 độ tuổi 15 - 60 đạt 97,2% (trong đó người biết chữ tuổi 15 - 35 đạt 98,76%).. Rà soát, sắp xếp mạng lưới quy mô trường, lớp theo Đề án sắp xếp điều chỉnh mạng lưới trường lớp học đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; đưa học sinh lớp 3, 4, 5 ở điểm trường lẻ về học tại trường chính để thực hiện Chương trình SGK, giáo dục phổ thông 2018. Xóa 19 điểm trường lẻ (Mầm non 06, Tiểu học 13). Huy động được 89,27% học sinh lớp 3,4,5 ở điểm trường lẻ về học tại trường chính (trong đó số học sinh lớp 3: 74,1%; lớp 4: 95,4%; học sinh lớp 5: 100%). Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư, 100% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; nhà ở công vụ, các công trình phục vụ học sinh bán trú được đầu tư xây dựng đồng bộ và kiên cố. Số trường học đạt chuẩn Quốc gia đến nay là 41/61 đạt 67,21%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình GDMN đạt 100%, hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 8.686/8.929 đạt 97,28%; tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đạt 1.342/1.344 đạt 99,85%; tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT 639/641 đạt 99,7%.
Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thị uỷ, UBND thị xã chỉ đạo quyết liệt công tác truyền thông về: Chương trình GDPT theo Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 17/6/2019 của UBND tỉnh Lào Cai và Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; nâng cao nhận thức của CBQL, GV, NV và học sinh, phụ huynh học sinh về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ban hành kế hoạch 255/KH-UBND ngày 24/9/2019 của UBND huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) về triển khai chương trình GDPT, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Chỉ đạo phòng GD&ĐT tổ chức tuyên truyền triển khai chỉ đạo chương trình GDPT 2018 (Tổ chức 04 buổi tiếp xúc đối thoại với cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và các đơn vị trường về công tác giáo dục; xây dựng được 4 phóng sự về tuyên truyền GDPT 2018; có 61 tin bài trên trang cổng thông tin của thị xã, phòng GD&ĐT và 120 tin bài trên cổng thông tin các trường học; tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo để tuyên truyền và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện chương trình GDPT tới các cơ quan ban ngành và Nhân dân). Chuẩn bị chu đáo các điều kiện đảm bảo triển khai và thực hiện Chương trình GDPT 2018 phục vụ công tác dạy và học theo Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05/4/2019 đối với lớp 1; Thông tư 43/2020/TT-BGDĐT đối với lớp 2 và lớp 6 theo Thông tư 44/2020/TT-BGDĐT.
Rà soát, sắp xếp và quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định. Đến nay, toàn thị xã có 833 phòng học (trong đó 613 kiên cố, 181 bán kiên cố, 05 phòng học tạm); 131 phòng học bộ môn, 142 phòng chức năng, 539 phòng công vụ giáo viên, 468 phòng ở học sinh bán trú, 31 nhà bếp bán trú, 446 nhà vệ sinh. Cấp Tiểu học, THCS có 36/40 trường có phòng Tin học, Mầm non có 11 trường có phòng học Kimats. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục với phương châm chủ động, tích cực, đồng bộ, quyết liệt, sâu sát, cụ thể. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu công khai các hoạt động của nhà trường, không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ. Tổ chức tương đối tốt các cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với cha mẹ học sinh và Nhân dân (đối thoại cấp trường 183 cuộc; cấp thị xã 03 cuộc).

Để tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương trong thời gian tới, Thị uỷ Sa Pa xác định: (1) Tiếp tục đưa những nội dung cốt lõi của Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào đề án, các kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo để triển khai thực hiện. Các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện theo Kết luận 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Đồng thời thực hiện có hiệu quả các đề án của Thị uỷ (Đề án số 05-ĐA/TU; Đề án 13-ĐA/TU; Đề án 03-ĐA/TU) và Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Ban Tuyên giáo Thị uỷ đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thị xã trong công tác tuyên truyền vận động. (2) Cấp uỷ các cấp tiếp tục tổ chức tuyên truyền quán triệt, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về giáo dục của tỉnh, của thị xã nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên và các tầng lớp Nhân dân. Các ngành trong khối tuyên truyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp, ban tuyên vận, tổ tuyên vận các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của công tác đổi mới giáo dục, từ đó thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới công tác giáo dục trong giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tiếp theo. Chú trọng việc phát hiện, biểu dương kịp thời gương điển hình trong đổi mới công tác giáo dục; (3) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch giai đoạn 2020-2025 về giáo dục và đào tạo. Tăng cường quản lý giáo dục, coi trọng chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở giáo dục theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra hành chính và kiểm tra chuyên ngành ở các cấp học, coi trọng công tác tự kiểm tra người đứng đầu các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; tập trung giải quyết các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong xã hội; (4) Thực hiện rà soát, điều chỉnh Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 07/12/2020 của UBND thị xã Sa Pa về Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thị xã Sa Pa, giai đoạn 2020-2025, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Từng bước bảm bảo đủ số lượng, chất lượng giáo viên theo cơ cấu bộ môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Phát triển đội ngũ nhà giáo cốt cán ở từng bộ môn của các cấp học làm nòng cốt đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Đánh giá, phân loại, sàng lọc, miễn nhiệm, bố trí công việc khác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; (5) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục trên địa bàn thị xã, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Khuyến khích phát triển và thành lập mới các trường Mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi. Tăng cường cơ sở vật chất trường phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, phường; xây dựng trường điểm ở các cấp học làm mô hình để triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; đồng thời xây dựng trường trọng điểm về chất lượng; (6)Tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách trong phát triển giáo dục ở các cấp học và trường học. Nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể trong vận động Nhân dân, cộng đồng tham gia xây dựng và phát triển công tác giáo dục. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động cho sự nghiệp phát triển giáo dục của thị xã đảm bảo mục đích phát triển giáo dục theo quan điểm của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề của cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và dạy nghề; tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề một cách thống nhất và hiệu quả; (7) Thực hiện kế hoạch phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; (8) Cấp uỷ các cấp tiếp tục chỉ đạo MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp với các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các nhiệm vụ giáo dục tại địa phương theo nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đổi mới các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp từng vùng, từng địa phương; vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia công tác xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để con, em được đến trường đảm bảo quyền học tập theo Luật Giáo dục và Luật trẻ em; (9) Phân bổ ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án liên quan để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện tốt mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề; xây dựng hệ thống thư viện điện tử; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục trong phạm vi toàn thị xã; xây dựng cơ sở dữ liệu của thị xã về giáo dục và đào tạo phục vụ công tác quản lý các cấp; (10) Đẩy mạnh các phong trào thi đua; tổ chức đánh giá, bình xét thi đua công bằng, dân chủ, khách quan nhằm phát huy tính tích cực, hiệu quả trong công tác thi đua khen thưởng. Tổ chức tốt việc tuyên dương khen thưởng học sinh, nhà giáo tiêu biểu nhằm động viên, khích lệ CBQL, GV thi đua đổi mới, sáng tạo trong các năm học nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn thị xã./.
Quốc Hưng (Văn phòng Thị uỷ)