Bảo tồn, phát huy nhạc cụ đàn Nhị của người dân tộc Mông phường Sa Pả
17/05/2025
Trong thời gian 10 ngày, từ ngày 19 – 29/4, Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin thị xã Sa Pa đã tổ chức lớp Tập huấn truyền dạy nghề làm đàn Nhị dân tộc Mông, phường Sa Pả. Lớp tập huấn đã thu hút 40 học viên là bà con dân tộc Mông tại phường Sa Pả tham gia. Phóng viên Phạm Quỳnh thông tin chi tiết.

Tại lớp tập huấn, ông Hạng A Tùng, tổ dân phố số 3, phường Sa Pả - người có kinh nghiệm làm đàn Nhị thuần thục để bán đã hướng dẫn, truyền dậy cho các học viên cách làm đàn Nhị theo đúng truyền thống của người Mông. Từ những ống tre, thanh gỗ, dây cáp, đuôi ngựa… qua bàn tay khéo léo cây đàn nhị được làm ra với âm thanh trong trẻo, sâu lắng. Để làm ra được đàn Nhị của người Mông trước tiên phải biết sử dụng đàn, biết âm thanh như thế nào thì mới đoán được. Đàn nhị của người Mông cấu tạo gồm: Bát nhị, cần nhị, trục dây, dây nhị, cử nhị, cung vĩ làm bằng đuôi ngựa… trong đó, cử nhị là bộ phận điều chỉnh cao độ âm thanh; nhựa thông được bôi vào dây nhị khi sử dụng để tăng độ trong, mềm mại của âm thanh…

Sau thời gian học tập nghiêm túc, hiệu quả, lớp Tập huấn truyền dạy nghề làm đàn Nhị dân tộc Mông, phường Sa Pả đã được tổng kết vào sáng ngày 16/5. Không chỉ hiểu và tự làm được cây đàn Nhị của dân tộc mình. 40 học viên của lớp tập huấn còn hiểu được ý nghĩa của tiếng đàn Nhị trong trẻo, réo rắt như tiếng lòng của con người với cộng đồng, với thiên nhiên. Đàn nhị là truyền thống của người Mông, lúc vui lúc buồn đều có thể kéo đàn Nhị.
Lớp Tập huấn truyền dạy nghề làm đàn Nhị dân tộc Mông, phường Sa Pả đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển văn hóa, xã hội tại thị xã Sa Pa, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.