Thị xã Sa Pa nằm ở phía Tây Bắc của Lào Cai, là nơi sinh sống của 6 dân tộc, trong đó có cộng đồng các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó, hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hoá đặc sắc, độc đáo của các dân tộc mình. Thời gian qua, thị xã luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc trong đó có bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 4 nghề truyền thống đã được công nhận gồm: nghề mây tre đan tại xã Mường Hoa; nghề may, thêu thổ cẩm tại xã Tả Phìn và xã Hoàng Liên; nghề chế biến thuốc tắm tại xã Tả Phìn.

Bám sát chủ chương, chính sách chung của tỉnh, thị xã Sa Pa đã triển khai các kế hoạch trọng tâm như Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 29/8/2022 của UBND thị xã Sa Pa về triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn thị xã Sa Pa; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 26/02/2025 của UBND thị xã Sa Pa về tổ chức ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng... Các Chương trình, kế hoạch của thị xã đều xác định bảo tồn và phát huy nghề truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nghề, qua đó thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương.
Các chủ trương, chính sách về bảo tồn và phát huy nghề truyền thống đã được tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân qua nhiều hình thức khác nhau. Trên cổng thông tin điện tử của thị xã Sa Pa, trang Fanpage của Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa, nhiều tin bài liên quan đến nghề truyền thống đã được đăng tải, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi. Ngoài ra, thị xã còn đưa các điểm nghề truyền thống tại Tả Phìn, Hoàng Liên vào sơ đồ tuyến tham quan, quảng bá du lịch, tài liệu du lịch số trên địa bàn thị xã. Các hoạt động trên đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời, vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đồng bào các dân tộc - chủ thể trực tiếp của các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã một cách hiệu quả và bền vững.
Nhằm thúc đẩy phát triển các nghề truyền thống, thị xã Sa Pa đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở tại các địa phương có các nghề này. Tiêu biểu như, tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, nơi nổi tiếng với nghề may, thêu thổ cẩm và nghề chế biến thuốc tắm của đồng bào Dao Đỏ, thị xã đã triển khai các dự án thiết kế, cải tạo cảnh quan, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, cải thiện kiến trúc môi trường và không gian thôn bản. Các công trình này không chỉ giúp thuận tiện việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, mà còn nâng cao chất lượng cảnh quan làng nghề, tạo ấn tượng thu hút du khách. Ngoài ra, chính quyền thị xã cũng tập trung xây dựng và nâng cấp các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề, đồng thời khuyến khích việc lồng ghép hoạt động trình diễn nghề vào các tour du lịch trải nghiệm.
UBND thị xã đã phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức hơn 12 lớp tập huấn cho 413 học viên tham gia, với tổng kinh phí 1,19 tỷ đồng. Nội dung tập huấn tập trung vào bảo vệ môi trường làng nghề, bảo tồn nghề truyền thống và nâng cao kỹ năng sản xuất, giúp lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Việc truyền nghề cũng được thực hiện thông qua các nhóm, câu lạc bộ nghề truyền thống và các hội thi tay nghề, tạo cơ hội cho người dân nâng cao tay nghề và trao đổi kinh nghiệm. Điển hình là dự án bảo tồn nghề thêu truyền thống tại xã Hoàng Liên, với tổng kinh phí 168,95 triệu đồng từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Dự án bao gồm nhiều hoạt động trong đó có tập huấn, hội thi tay nghề… Ngoài ra, thị xã Sa Pa có gần 30 tổ, nhóm, câu lạc bộ nghề truyền thống, tiêu biểu như Câu lạc bộ liên thế hệ mây tre đan xã Mường Hoa, câu lạc bộ thổ cẩm tại xã Hoàng Liên, Tả Phìn. Các câu lạc bộ này không chỉ là nơi kết nối thợ thủ công mà còn góp phần quan trọng trong việc truyền dạy nghề, duy trì kỹ thuật sản xuất truyền thống và sáng tạo các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao nhận diện thương hiệu và tăng cường kết nối cung cầu. Một số sản phẩm làng nghề truyền thống như thổ cẩm, mây tre đan đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, giúp tiếp cận nhiều hơn với thị trường trong và ngoài nước. Chính quyền thị xã cũng chú trọng việc quảng bá nghề truyền thống thông qua các sự kiện văn hóa - du lịch, như tổ chức trình diễn nghề tại các lễ hội lớn của Sa Pa - Festival Hoa hồng - Lễ hội đường phố, tái hiện chợ tình Sa Pa năm 2024, chương trình xúc tiến du lịch Sa Pa tại Hà Nội…, trưng bày sản phẩm tại khu du lịch Fansipan, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, thị xã còn khuyến khích lan tỏa các nghề truyền thống sang các vùng lân cận, từng bước mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao tính bền vững của các nghề, làng nghề truyền thống.

Thị xã Sa Pa đã và đang tích cực lồng ghép phát triển nghề, làng nghề với du lịch cộng đồng và chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm biến du lịch làng nghề thành một ngành kinh tế hiệu quả. Hiện nay, các nghề truyền thống tại Tả Phìn, Mường Hoa, Hoàng Liên đều là nghề gắn với du lịch. Các nghề trở thành điểm đến hấp dẫn, mang lại trải nghiệm văn hóa độc đáo cho du khách. Khi tham quan các hộ sản xuất hay các homestay, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm quá trình sản xuất như dệt thổ cẩm, hay đan lát mây tre. Tiêu biểu như tại bản Cát Cát - xã Hoàng Liên là nơi tái hiện sinh động không gian làng nghề thủ công may, dệt thổ cẩm, giúp du khách có trải nghiệm thực tế về quy trình sản xuất truyền thống. Thu nhập từ du lịch và bán sản phẩm nghề truyền thống tăng gấp 1,5 đến 3 lần so với trước đây. Nhiều nghệ nhân từng chỉ làm nghề để dùng trong cộng đồng nay đã có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, thậm chí xuất khẩu nhỏ sang một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp.
Thị xã Sa Pa đã lồng ghép kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP để hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy nghề, làng nghề truyền thống. Đến nay, thị xã Sa Pa có 04 sản phẩm thổ cẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, bao gồm các mặt hàng như tranh, túi, tấm trải trang trí, vỏ gối thổ cẩm. Những sản phẩm này không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn phản ánh tinh hoa văn hóa, tay nghề khéo léo của đồng bào dân tộc, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các sản phẩm này đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn, Shopee… giúp mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ các hoạt động trên, cho đến nay, theo đánh giá của UBND tỉnh Lào Cai, các nghề, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ của thị xã Sa Pa duy trì hoạt động tốt; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân của nghề truyền thống đạt 4- 5%/năm, đóng góp tích cực vào việc nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho bà con nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy các nghề, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thị xã Sa Pa vẫn còn gặp một số khó khăn và thách thức như các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển nghề truyền thống chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể khiến địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Hình thức tổ chức sản xuất tại các nghề truyền thống vẫn chủ yếu dựa vào hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất và các đơn vị kinh doanh. Điều này dẫn đến thị trường tiêu thụ không ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào du lịch và nhu cầu theo mùa….
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Sa Pa trong thời gian tới, có thể lưu ý một số nội dung sau: Tăng cường công tác lãnh chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống. Phát triển các nghề truyền thống theo hướng vừa sản xuất vừa phục vụ du lịch để tạo điểm tham quan đồng thời cung cấp sản phẩm cho khách du lịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhất là đồng bào người dân tộc thiểu số về phát triển các nghề truyền thống. Phát huy vai trò của trưởng thôn bản, người có uy tín, nghệ nhân trong việc nêu gương và tuyên truyền nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, lưu giữ các nghề truyền thống. Nhân rộng mô hình tổ phụ nữ, nhóm hộ có tâm huyết gắn bó với nghề; tổ hợp tác sản xuất nhằm tạo sức lan tỏa trong khôi phục và phát triển nghề truyền thống và kết nối hoạt động sản xuất với hoạt động du lịch.
Khuyến khích hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các nghệ nhân, người có kinh nghiệm và các hộ dân đã gắn bó lâu năm với nghề để trao truyền, giảng dạy nghề truyền thống cho các thế hệ sau…Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho các hộ, các Hợp tác xã làm nghề để có thể chủ động kết nối và hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất tại gia đình, đơn vị mình.
Quan tâm hỗ trợ thúc đẩy về vốn và khoa học công nghệ cho các nghề truyền thống. Các nghề phải tìm cách cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm theo đúng thị hiếu, yêu cầu của thị trường; kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng một phần công nghệ vào một số công đoạn của quá trình sản xuất, đồng thời vẫn phải kế thừa những tri thức dân gian trong quy trình chế tác, vẫn làm bằng tay ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm để sản xuất sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Triển khai thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm truyền thống, gắn kết tuyên truyền quảng bá tại lễ hội của thị xã và các điểm du lịch trọng điểm; trình diễn mô phỏng hoạt động sản xuất nghề truyền thống tại sân khấu chợ đêm, các Homestay… để thu hút thêm sự chú ý của du khách; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội… Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan và chính người dân. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên.