Bản Cát Cát

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, theo con đường hướng về phía núi Fansipan khoảng gần 3km, du khách sẽ đến bản Cát Cát của xã San Sả Hồ. Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, giữa thung lũng bốn bề là núi, Cát Cát là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng cho du khách khi muốn tìm hiểu và khám phá đời sống văn hóa của con người vùng cao Tây Bắc.

Cát Cát là nơi sinh sống của người dân tộc Mông, được hình thành từ giữa thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn Cát Cát làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức. Ở đây có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Chính vì vậy mà bản mới có tên là Cát Cát (đọc chệch đi của CatScat).

Các hộ dân hầu hết nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản, một số nằm rải rác trên các sườn núi. Ði khoảng mấy trăm mét bậc thang là đến trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rào là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc cùng ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) ầm ầm, tung bọt trắng xoá. Bên cạnh thác có hai chiếc cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ thu hút rất đông du khách ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.

Bản Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông. Người Mông ở Cát Cát xây nhà dựa vào sườn núi, các nóc nhà chỉ cách nhau chừng vài chục mét. Đó là những căn nhà ba gian có vì kèo ba cột ngang được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông, mái lợp ván gỗ pơ mu, vách bằng gỗ xẻ. Nhà có 3 cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn đóng kín, chỉ mở khi nhà có việc lớn như đám cưới, tang ma, dịp lễ Tết. Trong nhà có gian thờ, sàn gác dự trữ lương thực, bếp, nơi ngủ và nơi tiếp khách. Độc đáo nhất là những chiếc cối giã gạo được đồng bào Mông thiết kế hết sức sáng tạo, không dùng sức người mà sử dụng sức nước để cho ra những hạt gạo trắng tinh, thơm lành. Quanh nhà là những bụi tre um tùm, xanh mát cùng những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt. 

Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Đến bản Cát Cát, du khách sẽ được tham quan khu trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những sản phẩm tinh xảo, độc đáo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của những con người nơi đây không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Bên cạnh đó, người dân địa phương còn bảo tồn được khá nhiều phong tục, tập quán độc đáo, trong đó không thể không kể đến “tục kéo vợ”. Khi người con trai đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè để nhờ lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà rồi giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu bị từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.

Nếu đến bản Cát Cát vào những ngày đầu năm, du khách còn có dịp tham gia lễ hội Gầu Tào nhằm cầu phúc, cầu mệnh cho dân bản. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mông.

 

Lối xuống Cát Cát

 

Du khách bốn phương đến tham quan Bản Cát Cát

Du khách dừng chân ngắm cảnh tại Thác nước

Du khách đi bộ tham quan Bản Cát Cát

Đỗ Thành
Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập