Thị xã Sa Pa và vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trước xu thế hội nhập sâu rộng

Là một thị xã trẻ vùng cao miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Lào Cai với diện tích đất tự nhiên 683,29km2, Sa Pa là vùng đất tụ cư của 6 tộc người Mông, Dao, Tày, Kinh, Giáy, Xá Phó trong đó dân tộc Mông chiếm 52%; dân tộc Dao chiếm 22,4%; dân tộc Kinh chiếm 14,8%; dân tộc Tày chiếm 5%; dân tộc Giáy chiếm 3%; dân tộc Xá Phó chiếm 1,06 %; Dân tộc khác chiếm 1,74%.


Quang cảnh Lễ hội Sa Pa

Trong nhiều thế kỷ qua, các dân tộc thiểu số đã lần lượt di cư đến Sa Pa và chinh phục mảnh đất này thành những bản làng trù phú với khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ. Quá trình đấu tranh sinh tồn và lao động sản xuất đã giúp cho cộng đồng các dân tộc Sa Pa hình thành nên những nét văn hóa và lối sống độc đáo, tạo ra một bức tranh văn hóa đa sắc màu bên dãy Hoàng Liên kỳ vỹ. Sự độc đáo của văn hóa các dân tộc thể hiện trong không gian văn hóa của các làng bản, trong kiến trúc nhà cửa của mỗi dân tộc, trên trang phục của nam và nữ và trong các lễ hội truyền thống.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của du lịch Sa Pa nói riêng, văn hóa các dân tộc có nhiều biến đổi và trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng. Riêng trong trong năm 2019, các tuyến - điểm du lịch cộng đồng trên địa Sa Pa đón gần 300 nghìn lượt khách với tổng doanh thu đạt 48 tỷ trong đó phí tham quan là 15 tỷ và doanh thu từ các dịch vụ du lịch tại điểm (lưu trú, ăn uống và quà lưu niệm...) đạt 33 tỷ. Tổng số cơ sở lưu trú tại gia trên địa bàn là 310 hộ. Bình quân, mỗi cơ sở lưu trú đạt mức doanh thu từ 80 - 140 triệu/năm.

Du lịch cũng đã tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như: nghề thổ cẩm, nghề thảo dược và hương liệu, nghề làm hương, làm nến sáp ong, làm trống, chạm bạc, nghề rèn....; Nhiều loại ẩm thực địa phương cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn độc đáo tại các nhà hàng; Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng được khai thác để phục vụ khách du lịch tại các cộng đồng thông qua chuỗi các lễ hội đầu xuân mới, các chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ với khách du lịch... Có thể nói, sự phát triển của du lịch đã khiến Sa Pa trở thành nơi giao thoa giữa các nền văn hóa và chính môi trường giao thoa ấy đã khiến cho văn hóa các dân tộc Sa Pa được quảng bá rộng rãi và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, sự phát triển du lịch cũng mang lại những tác động tiêu cực đối với văn hóa và đời sống của các dân tộc thiểu số huyện Sa Pa: Văn hóa truyền thồng dần bị mai một và biến đổi do thiếu định hướng về bảo tồn; không gian văn hóa tại các làng bản đang dần bị thu hẹp lại do quá trình đô thị hóa và nhu cầu phát triển; kiến trúc truyền thống bị bị thay thế bởi các công trình kiến trúc hiện đại; trang phục truyền thống ngày càng ít xuất hiện và có hiện tượng bị lai tạp giữa các dân tộc; một số nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một trước sự xâm nhập các sản phẩm công nghiệp, hiện đại; nghệ thuật truyền thống bị biến dạng do sự thương mại hóa; tinh thần cộng đồng bị biến đổi do tác động của kinh tế thị trường...

Với quan điểm "Sa Pa là của cả nước",  Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Lào Cai về lãnh đạo xây dựng huyện Sa Pa phát triển toàn diện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu là một trong những mục tiêu quan trọng của Tỉnh. Đề án Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 cũng khẳng định một trong những mục tiêu trọng tâm là "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn,nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đười sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào ngày 06/12/2017 đã nói "Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường, mà còn là văn hóa của người địa phương, của các dân tộc anh em... Chúng ta giữ gìn văn hóa để đây là yếu tố thu hút lâu dài trên cơ sở phát triển hạ tầng, các điều kiện để tương xứng với thị xã. Nếu mất đi văn hóa thì Sa Pa cũng không còn nữa". Vâng "Nếu chuyển đổi mà làm mất đi văn hóa thì Sa Pa cũng không còn nữa" chính là lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ đối với định hướng phát triển của Sa Pa trong tương lai.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Một là: Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Sa Pa;

Hai là: Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc Sa Pa như: thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ du lịch theo phương châm "Biến di sản thành tài sản".

Ba là: Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và sáng tác trên cơ sở chất liệu văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Sa Pa để có nhiều công trình, nhiều sản phẩm văn hoá đáp ứng nhu cầu của công chúng và nhân dân các dân tộc thiểu số. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ đang nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt của Sa Pa.

Bốn là: Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới. Xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa trên cơ sở kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Tổ chức các động văn hóa, lễ hội lành mạnh để thu hút đồng bào và du khách cùng tham gia.

Năm là: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số Sa Pa và cân đối nguồn lực triển khai các hoạt động. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hoá, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hoá và văn nghệ sĩ các dân tộc trong huyện; lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào các dân tộc.

Sa Pa đã được Thủ tướng chính phủ Công nhận là Khu du lịch quốc gia, hướng tới trở thành Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nâng cấp thành thị xã, mở ra cơ hội giao lưu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hơn lúc nào hết, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc Sa Pa cần được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Hi vọng, với sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh và của Huyện; sự vào cuộc chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, của chính quyền địa phương, của các tổ chức Hội đoàn thể và đặc biệt của của cộng đồng các dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Sa Pa sẽ đạt được nhiều thành tựu mới; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẽ được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả theo đó di sản văn hóa sẽ trở thành tài sản của các dân tộc thiểu số; khẳng định Văn hóa dân tộc chính là một trong 3 yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo riêng có của Thị xã Sa Pa và Khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Hoàng Thị Vượng

                                                                Trưởng phòng VHTT huyện Sa Pa

Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập