Nghị quyết 10 - hiện thực hóa mục tiêu Sa Pa trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của tỉnh

    Nghị quyết 10 thể hiện tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược

    Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, Tỉnh Lào Cai có chiến lược, định hướng phát triển lĩnh vực nông nghiệp chuyển từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng; nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Điều đó được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết 10 có nhiều điểm nhấn nổi bật mang tính chiến lược.

Atiso - dược liệu 'vàng' trên đất Sa Pa

    Một là, điểm nhấn trong quan điểm, mục tiêu thể hiện tư duy đột phá đó là: tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; tập trung thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá, bao gồm: (1) Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; (2) Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; (3) Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; (4) Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; (5) Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

    Hai là, tầm nhìn mang tính chiến lược thể hiện trong việc thực hiện 03 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. (1) Phát triển sản xuất nông nghiệp theo lĩnh vực. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong lĩnh vực chăn nuôi đối với vùng cao, tập trung phát triển vật nuôi bản địa bảo đảm quy trình sản xuất an toàn, tổ chức quản lý theo cộng đồng tối thiểu từ cấp thôn, bản trở lên. Trong lĩnh vực Thủy sản, phát triển theo đối tượng nuôi bảo đảm phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương; nâng cao năng lực quản lý và sản xuất nuôi trồng thủy sản; sử dụng nguồn nước lạnh hiệu quả, an toàn dịch bệnh gắn với phát triển du lịch. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, khu vực vùng cao, nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng bản địa, cây đa mục đích, phát triển lâm sản ngoài gỗ (2) Phát triển nông nghiệp theo các vùng sinh thái. Theo đó, vùng sinh thái phía Tây bao gồm toàn bộ thị xã Sa Pa và một số xã khu vực phía Tây huyện Bát Xát sẽ tập trung phát triển các cây trồng có lợi thế như cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, rau trái vụ vùng cao, hoa cao cấp; phát triển các sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, cá nước lạnh, các vật nuôi đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế cao. Bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, bảo tồn thiên nhiên VQG Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch. Phát triển các sản phẩm OCOP phục vụ du khách và mở rộng thị trường. ( 3) Phát triển các ngành hàng chủ lực gồm phát triển vùng sản xuất chè; sản xuất cây dược liệu; phát triển vùng sản xuất chuối; phát triển vùng sản xuất dứa; phát triển chăn nuôi lợn; phát triển vùng sản xuất quế; phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng.

    Ba là, Nghị quyết 10 xây dựng 09 nhóm giải pháp mang tính toàn diện trên các phương diện. Theo đó, với giải pháp về khoa học công nghệ sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: công nghệ sản xuất giống, công nghệ sinh học, thủy canh, tự động hóa... ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng. Đặc biệt, Nghị quyết xây dựng giải pháp về chính sách, huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ. Theo đó, đến năm 2025, phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản và 04 nhà máy chế biến được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông lâm sản; xây dựng các Trung tâm Logistic thực hiện các hoạt động trung chuyển, lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ khác như làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì… kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ. Với giải pháp ứng dụng chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành nông nghiệp, cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

    Bốn là, điểm đột phá thể hiện rõ trong tổ chức thực hiện. Theo đó, Tỉnh uỷ thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết  đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết thành các Chương trình, Đề án, Dự án, Kế hoạch cụ thể. Tại các địa phương, Bí thư huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai Nghị quyết toàn diện tại địa phương; thành lập Ban Chỉ đạo của địa phương về phát triển nông nghiệp hành hóa  do đồng chí Bí thư là Trưởng ban Chỉ đạo; chỉ đạo ký kết quy chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh để bảo đảm tính liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

    Có thể khẳng định, những nhận thức mới và tư duy đột phá về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là những chủ trương lớn, đúng đắn góp phần đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước vào năm 2050.

   Hiện thực hóa mục tiêu Sa Pa trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của tỉnh

    Nghị quyết 10 được ban hành với các giải pháp về quản lý quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất; về chính sách, huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ; về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thực sự đã tạo đà cho Sa Pa sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của tỉnh. Nghị quyết 10 đặt mục tiêu phát triển cây dược liệu đến năm 2025 diện tích đạt 4.000 ha, sản lượng 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng; năm 2030 diện tích đạt 5.000 ha, sản lượng 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Theo đó, thị xã Sa Pa dựa trên thế mạnh về đất đai, khí hậu để đặt mục tiêu và triển khai thực hiện việc khai thác, phục hồi và nhân bản các nguồn gen quý (Sâm Ngọc Linh, Actiso, Giảo cổ lam, Xuyên khung, Tam Thất, Đương Quy,…) để hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung tại các xã, phường: Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Hàm Rồng, Sa Pả, Liên Minh, Mường Bo; xây dựng cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu nhằm nâng cao giá trị của dược liệu Sa Pa; tăng cường, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, đồng thời khai thác có hiệu quả và bảo tồn cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế và y dược. Phấn đấu đến năm 2030 tập trung mở rộng phát triển vùng cây dược liệu với tổng diện tích đạt 469 ha, định hướng đến năm 2050 đạt 803 ha.

    Hiện thực hóa mục tiêu, thị xã Sa Pa tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhóm giải pháp kỹ thuật. Cụ thể trong thời gian tới tiếp tục khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, bổ sung chủng loại cây hàng năm phù hợp với yêu cầu chế biến, tiêu thụ sản phẩm; 100% diện tích phát triển cây dược liệu bảo đảm nguyên tắc thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên (GACP) nhằm bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất chế biến thuốc. Vùng trồng cây dược liệu hàng năm được tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; đăng ký tem truy xuất nguồn gốc.

    Đối với nhóm giải pháp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thị xã có kế hoạch triển khai xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến sâu sản phẩm tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung; bảo đảm 100% sản lượng tươi được sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dụng các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản quy mô nhỏ đế kịp thời sơ chế sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tập trung chế biến thành các sản phẩm OCOP, các đặc sản làm quà cho du khách như sản phẩm thuốc tắm, gối thảo dược, sản phẩm chức năng...

    Năm 2022, thị xã Sa Pa tiếp tục tăng cường tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 10 và đặc biệt là các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chế biến dược liệu; vận động nhân dân tham gia bảo tồn cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế và y dược, chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng dược liệu.

Sâm Ngọc Linh là một loài dược liệu quý Sa Pa

    Sa Pa vốn được biết đến là vùng đất trồng dược liệu lâu năm, Nghị quyết 10 đã tạo đà cho Sa Pa sớm trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của tỉnh. Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chủ động vào cuộc của nhân dân, vùng sản xuất dược liệu tập trung gắn với du lịch đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ.

Ngọc Phương- Ban Tuyên giáo Thị ủy 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức


 
image
  • Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tỉnh do SARS-CoV-2 (Covid-19)
    (19/01/2022)
  • Hướng dẫn quy trình bầu cử
    (20/05/2021)
  • Tuần Lễ hội Đền Mẫu Thượng Sa Pa năm 2021
    (03/04/2021)
1 2 3 
  • Đang online: 1
  • Trong tháng: 1
  • Trong năm: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập